Danh mục
Cách mạng nói tiếng Anh trong công ty Nhật

Cách mạng nói tiếng Anh trong công ty Nhật


Xóa bỏ rào cản ngôn ngữ là con đường phát triển tất yếu với các doanh nghiệp muốn hội nhập quốc tế. Vì vậy, hãng thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản đã đi tiên phong trong cách mạng sử dụng tiếng Anh 100% trong công việc .

Cách mạng tiếng Anh hóa “English-ization”

Hãng bán hàng trực tuyến lớn nhất tại Nhật Bản Rakuten đã yêu cầu đến năm 2012 mọi giao tiếp trong công ty sẽ không được dùng tiếng Nhật, thay vào đó là tiếng Anh. Tất cả các nhân viên buộc phải thành thạo khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc chấp nhận bị đào thải, quy định này áp dụng cho mọi nhân viên. Người đưa ra ý tưởng này chính là tỷ phú Hiroshi Mikitani, CEO của hãng. Nhân viên công ty có thời gian 2 năm để dần đáp ứng yêu cầu mới về ngôn ngữ. Trong thời gian 2 năm này, tiếng Anh dần dần được đưa vào sử dụng trong các cuộc họp nội bộ, phủ sóng đến các biển báo trong tòa nhà, thực đơn món ăn cũng như tài liệu, email trao đổi công việc.
Tham vọng của Rakuten không chỉ gói gọn ở thị trường Nhật Bản, mà là mở rộng quy mô bằng việc tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên để đạt được điều này, họ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể phát triển các dự án kinh doanh nước ngoài và hơn nữa, tuyển dụng nhân tài đến từ các quốc gia khác. Tiếng Anh là một lựa chọn hiển nhiên khi là ngôn ngữ được chấp nhận rộng rãi nhất trong thương mại toàn cầu.

Phản ứng trái chiều

Quyết định tiếng Anh hóa “English-ization” này đã không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ nhiều nguồn dư luận. Các phương tiện truyền thông, mạng xã hội lẫn nhiều học giả đều chỉ trích nặng nề ý tưởng này,  cho rằng hành động này khiến tiếng Nhật có thể bị xóa sổ, làm tổn thương đến văn hóa quốc gia. Thậm chí, Tổng giám đốc điều hành của Honda còn gọi đây là chính sách  “ngốc nghếch, vớ vẩn”. Nhiều người cho rằng rào cản ngôn ngữ chưa bao giờ được coi là vấn đề nghiêm trọng khi nền sản xuất công nghiệp Nhật Bản còn trong thời kỳ vàng son. Khi ấy, người Nhật tự tin vào chất lượng hàng hóa mình làm ra mà không quan tâm nhiều tới việc sản phẩm ấy sẽ xuất hiện ở nước ngoài bằng ngôn ngữ gì. “Hàng hóa sản xuất ra nếu có chất lượng tốt, sẽ tự nói lên tiếng nói của chính nó“.
Nhưng giờ đây, ngành dịch vụ đang đóng góp 70% GDP của Nhật Bản và một khi nền kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ, không còn cách nào khác là bạn phải giao tiếp với thế giới bằng tiếng Anh. Đó là thực tế của cuộc sống. Đó là lý do chúng ta cần phải thay đổi tư duy để hội nhập.
cuộc cách mạng nói tiếng anh trong công ty nhật
CEO – tỷ phú Hiroshi Mikitani từng học Trường Kinh doanh Havard, có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và là người đưa ra quyết định “English-ization” đầy táo bạo.

Câu chuyện học và dùng tiếng Anh của người Nhật…

… có nhiều điểm tương đồng với người Việt. Người Nhật bắt đầu đưa tiếng Anh vào dạy học  từ nhiều thập kỷ nay nhưng phần lớn chữ nghĩa đều trôi tuột khi họ rời ghế nhà trường, bởi họ không chịu bất cứ sức ép nào về chuyện phải dùng ngoại ngữ. Trong bảng xếp hạng TOEFL năm 2013, người Nhật có mức điểm thấp thứ hai trong khu vực Đông Á, chỉ hơn Cambodia và Lào, nhưng thua Bắc Triều Tiên và Myanmar (Việt Nam đứng thứ 18/30). “Nhật Bản là quốc gia có học vấn cao duy nhất có người dân không thể nói tiếng Anh. Đây là một vấn đề lớn mà nước ta phải giải quyết“, CEO Hiroshi Mikitani thẳng thắn cho biết. Thêm vào một yếu tố nữa là  hai thế kỷ trì trệ vừa qua của kinh tế Nhật Bản đã ảnh hưởng nặng nề tới giới trẻ. Xã hội Nhật Bản, đặc biệt là lớp trẻ, quá hướng nội. Họ không muốn di chuyển ra nước ngoài, thiếu đi ham muốn mở mang tầm nhìn ra bên ngoài. Họ cần một cú đẩy để bước ra khỏi biên giới nước mình, mở rộng và tìm kiếm cơ hội mới.

Thay đổi – “Chúng ta sẽ phải làm điều đó dù thích hay không”

Tuy vấp phải những phản ứng trái chiều cũng như nền tảng thực tế không lý tường, nhưng điều đó cũng không thể cản trở ý tường táo bạo của Mikitani. “Chúng ta cần nghiêm túc thay đổi cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản hiện nay và Anh hóa là một phần trong kế hoạch đó. Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ duy nhất mang tính toàn cầu. Chúng tôi đang kinh doanh toàn cầu vì vậy nói tiếng Anh là cách tốt nhất để một công ty Nhật Bản làm dịch vụ như chúng tôi trở thành tổ chức toàn cầu“, Hiroshi Mikitani thuyết phục những lãnh đạo và nhân viên trong công ty. Và thực tế đã chứng minh Rakuten đang ngày càng mở rộng quy mô làm ăn bất chấp kinh tế vĩ mô Nhật Bản vật lộn với khó khăn.

Thực tế Rakuten không phải tập đoàn duy nhất đưa tiếng Anh phổ cập trong môi trường làm việc, nhưng họ làm triệt để và mạnh tay hơn. Công ty đưa ra một danh sách 5.000 từ vựng bất kỳ nhân viên nào cũng phải học thuộc. Những người ở vị trí quản lý nếu không đáp ứng điều kiện thành thạo tiếng Anh sẽ bị sa thải, trong khi những người đạt điều kiện sẽ được thăng chức. Hideki Kamachi, một nhân viên tại Rakuten đang cố gắng học từ vựng để chuẩn bị cho một cuộc họp cho biết “Ban đầu, tôi cảm thấy có chút bỡ ngỡ và cảm thấy buồn mỗi khi không nắm bắt được mọi thứ. Nhưng mỗi tuần trôi qua, tôi hiểu tiếng Anh nhiều hơn“.

Với cuộc cách mạng táo bạo này, tính đến tháng 4/2015, điểm TOEIC trung bình của toàn bộ nhân viên của công ty thương mại điện tử này đạt 802,6/990 – tăng hơn 276 điểm so với năm 2010 và cho thấy toàn bộ nhân viên ở đây đều thông thạo tiếng Anh (trên mức 800). Trong những năm qua, đại gia ngành thương mại điện tử Nhật Bản cũng đã cho thấy những bước tiến quốc tế đáng kể khi bỏ ra 900 triệu USD mua lại ứng dụng nhắn tin; mua lại website Ebates của Mỹ với giá một tỷ USD, bỏ ra 300 triệu USD để mua 11,9% cổ phẩn của dịch vụ đi nhờ xe Lyft, Mỹ và mua OverDrive – hãng công nghệ chuyên cung cấp sách điện tử, sách nói, phim trực tuyến với giá 410 triệu USD.

 Thay lời kết

Định nghĩa quốc gia hay đồng tiền đang thay đổi. Giờ đây, việc bạn khởi sự kinh doanh ở quốc gia nào không còn quá quan trọng. Áp lực cạnh tranh giờ đây mang tính toàn cầu, chứ không phải giữa một địa phương này với địa phương khác. Tiếng Anh là tấm vé vàng để mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và rộng hơn nữa là mỗi quốc gia bước ra cánh cửa hội nhập quốc tế.

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


sticky content