Danh mục
Sếp “khổ sở” vì nhân viên dở Tiếng Anh

Sếp “khổ sở” vì nhân viên dở Tiếng Anh


Nhiều nhà tuyển dụng của các công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam nói rằng: “nhận một nhân viên có kiến thức chuyên ngành cơ bản nhưng biết tiếng Anh, còn hơn nhận một nhân viên rất giỏi kiến thức chuyên ngành mà không giao tiếp được câu tiếng Anh nào”. Họ nói vậy để thấy rằng: tiếng Anh quan trọng như thế nào trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, và người đi làm Việt Nam đang khó khăn thế nào trước rào cản tiếng Anh.

Sếp "chết dở" vì nhân viên kém Tiếng Anh

Từ những chuyện dở khóc dở cười…

Trong bối cảnh hội nhập toàn diện và quốc tế hóa hiện nay, giao tiếp xuyên văn hóa là một yêu cầu cấp thiết. Ngoại ngữ là một lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế, nhân viên người Việt luôn chật vật với vốn liếng tiếng Anh của mình. Tôi vẫn còn nhớ thời gian trước đây khi làm việc tại Singapore, một doanh nghiệp Việt Nam tên là  An Phước có gửi thư ngỏ mời hợp tác cho lãnh đạo bên tôi, và cuối thư có ký tên:

Friendly, Tran My Dung.

Từ “Friendly” không có ý nghĩa gì khi ký tên cuối thư, thay vào đó người ta thường viết “Best wishes“, “Sincerely”, hay “Yours faithfully”. Ngoài ra thì từ “My Dung” trong tên riêng của bà giám đốc lẽ ra nên viết lái đi, chẳng hạn “My Dzung”, vì đối với người bản xứ thì cách viết “My Dung” lại đồng nghĩa với một từ được hiểu theo nghĩa tương đối thô tục… Lời đề nghị hợp tác này sau đó đã không được cân nhắc tới, mà chỉ thi thoảng được mang ra làm ví dụ cho những mối thảm họa khôn lường- khi bạn có một cô thư ký tiếng Anh kém và giao cho cô ta soạn thư cho đối tác.

Một câu chuyện khác anh bạn tôi kể lại, năm 2013 đài truyền hình kỹ thuật số VTC ký kết một hợp tác rất quan trọng với đối tác Hàn Quốc. Trong lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai bên, lãnh đạo của VTC được một phen tẽn tò vì dòng dòng chữ “Memorandum of Understanding” bị viết sai chính tả. Một ký tự “s” bé nhỏ đặt nhầm trong chữ “unsderstanding” (ăn- sờ- đở-ten-ding) đã khiến cho bộ mặt của cả một công ty và độ trang trọng của buổi lễ bị tổn hại không hề nhỏ. Tìm hiểu thêm thì được hay đây không phải lỗi cẩu thả của người đánh máy mà là do nhân viên phụ trách event này là một người học chuyên tiếng Pháp và tiếng Anh chỉ ở mức làng nhàng. Lãnh đạo của VTC sau đó đã tức khắc mở lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Đài.

Viết tiếng Anh thì sai, người Việt nói tiếng Anh cũng lại kém. Có lần đi dự tiệc nghênh đón nhà đầu tư của một doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức rất long trọng tại khách sạn Sheraton Hà Nội, tôi đã chứng kiến vị tổng giám đốc tỏ ra hết sức ngại ngùng vì những nhân viên tham gia buổi tiệc hôm đó, hoặc sẽ co cụm lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, hoặc sẽ nỗ lực giao tiếp với những vị khách nước ngoài bằng cách khoa chân múa tay loạn xị. MC phỏng vấn thì đập bốp bốp vào micro để ra hiệu cho khách mời phát biểu. Cái không gian lấp loáng của nội thất và những bộ váy áo long trọng cũng không cứu vãn nổi sự “quê độ” của buổi tiệc. Tất cả cũng chỉ do không dùng được tiếng Anh.

Những tình huống dở khóc dở cười như vậy có lẽ cũng không hiếm gặp, bởi câu chuyện nhân viên kém tiếng Anh là nỗi nhức nhối chung chẳng của riêng doanh nghiệp nào.

Đến những câu chuyện không còn cười được…

Mới gần đây, vào tháng 11 năm 2014, một chiếc máy bay Việt Nam Airlines đã cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất  đi Huế đã bị một máy bay trực thăng quân sự cắt ngang mũi đường bay, chỉ còn cách nhau vài chục mét, nguyên nhân theo tìm hiểu là do người kiểm soát không lưu của hai máy bay không truyền đạt thông tin theo chuẩn tiếng Anh. Sự cố này rất may đã không gây ra thiệt hại nào nhưng đã đe dọa nghiêm trọng tới an toàn hàng không. Bộ trường Đinh La Thăng đã ngay lập tức yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam  (VATM)  rà soát lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực, kết quả là đã có 10 kiểm soát viên không lưu vừa bị cho nghỉ việc, không ký tiếp hợp đồng, không trả lương vì trình độ tiếng Anh yếu kém.

Một trường hợp khác, một vị giám đốc doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam cho hay: “Bất cứ khi nào tôi cần phải dịch một tài liệu cho khách hàng nước ngoài, tôi phải thuê một thông dịch viên, điều này rất tốn kém. Tôi chỉ biết tiếng Anh cơ bản và không có ai trong số các nhân viên của tôi có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo.” Công ty đã mất rất nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư cũng như hợp tác với nước ngoài vì trình độ tiếng Anh trong bộ máy nhân sự không đạt yêu cầu.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, tiếng Anh không chỉ còn là yếu tố “cộng điểm” mà đang dần trở thành một công cụ bắt buộc để làm việc. Tuy nhiên, xét về cả trình độ ngoại ngữ cũng như năng lực tay nghề, nguồn nhân lực của ta vẫn còn một khoảng cách khá xa nếu so sánh với các nước khác trong khu vực, và hiển nhiên là chưa thể nào đáp ứng được yêu cầu phát triển của các nhà tuyển dụng.  Ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFJ Việt Nam cho biết, hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đều bất mãn với nguồn nhân lực của Việt Nam vì kĩ năng giao tiếp tiếng Anh và làm việc nhóm của người Việt Nam rất kém: “Tôi rất tiếc là các cử nhân  ra trường có kiến thức chuyên môn rất tốt, nhưng lại rất hạn chế về ngoại ngữ. Rào cản ngoại ngữ giải thích nguyên nhân tại sao doanh nghiệp Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Sắp tới, Việt Nam sẽ tham gia vào những sân chơi lớn của quốc tế và khu vực, TPP, AEC… và bài toán nhân lực sẽ càng trở nên đau đầu hơn bao giờ hết với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Việc đào tạo tiếng Anh chuẩn hóa cho nguồn nhân sự cần được ưu tiên thực hiện sớm, để tiết kiệm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trước bước thềm hội nhập cận kề.

Quý doanh nghiệp hoặc tổ chức có nhu cầu đào tạo tiếng Anh xin vui lòng xem thêm chi tiết tại: http://aroma.vn/doanh-nghiep/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


sticky content